KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ BƯỚC ĐẦU BỆNH NHÂN RỐI LOẠN SINH TỦY PHÂN NHÓM IPSS-R NGUY CƠ CAO HƠN BẰNG PHÁC ĐỒ DECITABINE ĐƠN TRỊ TẠI VIỆN HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU TRUNG ƯƠNG

Quang Hảo Nguyễn , Tuấn Anh Trần , Thị Thu Hương Lưu , Minh Phương Vũ, Đức Bình Vũ, Ngọc Dũng Nguyễn , Hà Thanh Nguyễn, Quốc Khánh Bạch , Quốc Chính Dương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng thuốc giảm methyl hóa đã cho kết quả khả quan trong điều trị bệnh nhân rối loạn sinh tủy nhóm nguy cơ cao hơn theo IPSS-R. Mục tiêu: 1. Đánh giá kết quả điều trị bằng phác đô decitabine đơn trị ở nhóm bệnh nhân rối loạn sinh tủy nguy cơ cao hơn. 2. Mô tả một số tác dụng không mong muốn của decitabine. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:  49 bệnh nhân rối loạn sinh tủy nguy cơ cao hơn được chẩn đoán theo WHO 2016 tại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ 1/2018 đến 8/2021, được điều trị bằng phác đồ decitabine đơn trị. Kết quả nghiên cứu đánh giá theo tiêu chuẩn IWG 2018. Kết quả: Tỉ lệ cải thiện tổng thể là 67,3%, tỉ lệ đáp ứng tổng thể là 55,1% trong đó: đáp ứng hoàn toàn là 28,6%, đáp ứng một phần là 26,5%. Thời gian sống toàn bộ của bệnh nhân là 35,14 ± 3,41 tháng. Các tác dụng không mong muốn ở máu ngoại vi gồm giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm hồng cầu với tỉ lệ lần lượt là: 27,9%, 18,6% và 41,9%. Có 11 tác dụng không mong muốn thường gặp khác với tỉ lệ như sau: chán ăn 36,7%, đau đầu 28,6%, táo bón 26,5%, nôn 22,4%, ho 20,4%, sốt 12,2%, tiêu chảy 16,3%, viêm phổi kẽ 16,3%, tăng men gan 16,3%, tăng đường máu 20,4% và giảm albumin 18,4%. Kết luận: Phác đồ decitabine đơn trị giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân rối loạn sinh tủy nguy cơ cao hơn với tỉ lệ đáp ứng tổng thể đạt 55,1%. Nghiên cứu ghi nhận 14 tác dụng phụ không nguy hiểm, thường gặp gồm: giảm hồng cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, chán ăn, đau đầu, táo bón, nôn, ho, sốt, tiêu chảy, viêm phổi kẽ, tăng men gan, tăng đường máu và giảm albumin.

Chi tiết bài viết

Các bài báo được đọc nhiều nhất của cùng tác giả