SỐT Q TẠI MỘT SỐ BỆNH VIỆN Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM: TỶ LỆ NHIỄM VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

Hoàng Anh Phương, Lê Thị Hội, Nguyễn Vũ Trung

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định tỷ lệ nhiễm Coxiella burnetii gây bệnh sốt Q trên các bệnh nhân sốt không rõ nguyên nhân bằng kỹ thuật real-time PCR và mô tả một số đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhân sốt Q ở miền Bắc Việt Nam năm 2018 – 2019. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Trong tổng số 987 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu có 13 trường hợp (tương ứng 1,3%) xác định nhiễm C. burnetii. Nhóm bệnh nhân có độ tuổi trung bình 47,8 ± 17,5, nhóm thuộc độ tuổi lao động, nhất là từ 41 – 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (46,2%); chủ yếu là nông dân (76,9%) và sinh sống ở vùng nông thôn (84,6%), tỷ lệ nam/ nữ là 2,25/1. Tất cả bệnh nhân đều có sốt với đặc điểm sốt cao, nhiệt độ trung bình 39,2±0,8oC; kéo dài trong 11,1 ± 8,9 ngày. Các triệu chứng hay gặp khác đi kèm là nhức đầu (100%), đau bắp cơ, ho (đều có tỷ lệ 46,2%), sung huyết da (76,9%), sung huyết kết mạc (30,8%), các triệu chứng khác gặp với tỷ lệ thấp hơn. Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân sốt Q nhập viện là 1,3%. Nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao là nam giới, người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là nông dân và sinh sống ở vùng nông thôn. Triệu chứng có tỷ lệ bệnh nhân biểu hiện cao là sốt, nhức đầu, đau bắp cơ, ho và sung huyết da/ kết mạc.

Chi tiết bài viết