ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ ĐA KÍ GIẤC NGỦ CỦA NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN GIẤC NGỦ TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Thị Khánh Tống1, Đình Tùng Lê 1,2, Thị Kim Thanh Hồ1,2, Thanh Tuấn Đỗ1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định tỉ lệ, đánh giá mức độ rối loạn giấc ngủ bằng thang điểm PSQI và đặc điểm của các thông số đa kí giấc ngủ người bệnh rối loạn giấc ngủ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2020-2021. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 30 người bệnh đến khám và ghi đa kí giấc ngủ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 7/2020-5/2021. Kết quả và kết luận: Tất cả người bệnh đều có giảm chất lượng giấc ngủ theo thang điểm PSQI với tổng điểm trung bình 18,0 ± 6,0 điểm. Trong đó trên 90% người bệnh bị tỉnh giấc giữa đêm, có ho hoặc ngáy to khi ngủ, khó giữ tỉnh táo vào ban ngày và ngủ ít hơn 7h. 30% người bệnh có hiệu quả giấc ngủ trên 85%. Tất cả người bệnh đều có ít nhất 1 rối loạn trên đa kí giấc ngủ. Thời lượng ngủ dưới 5 giờ và có ngưng, giảm thở chiếm trên 50%. Thời lượng giấc ngủ đạt trung bình là 5,4 ± 1,1 giờ, trong đó có tới 29/30 người bệnh ngủ dưới 7 giờ. Hiệu quả giấc ngủ trung bình 79,6 ± 15,1%, trên 70% có hiệu quả giấc ngủ từ 80% trở lên. Trung bình AHI: 34,0 ± 28,9 lần/giờ. 86,7% có ngừng thở, giảm thở khi ngủ và 50% tổng số người bệnh có ngừng thở, giảm thở nặng. Trung vị thời gian vào giấc: 8 phút (0 - 125,5 phút). Cấu trúc giấc ngủ có thay đổi so với bình thường, giai đoạn N1 kéo dài và rút ngắn các giai đoạn ngủ còn lại. 96,7% đối tượng nghiên cứu có phân mảnh giấc ngủ tỷ lệ thời gian thức sau khi đã bắt đầu ngủ trung bình 19,0 ± 15,5 %, số lần thức giấc trong đêm 23,2 ± 15,3 lần, và chỉ số vi thức giấc trung bình 34,1 ± 19,1 lần/ giờ. 16,7% đối tượng có vận động chân theo chu kỳ được phát hiện trên đa kí mà không có triệu chứng lâm sàng.

Chi tiết bài viết